Không ít trường hợp nhà, đất là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, nhưng chỉ vợ hoặc chồng đứng tên trong sổ đỏ. Vậy khi đó, người không đứng tên trên giấy tờ nhà đất có bị ảnh hưởng quyền lợi gì không?
Chúng ta cùng tìm hiểu để hiểu rõ hơn vấn đề này.
Sau 3 năm tích cóp ở nhà thuê, vợ chồng anh Hùng cũng tiết kiệm đủ tiền để mua một ngôi nhà 2 tầng ở Đông Anh, Hà Nội. Tuy nhiên, trong quá trình mua bán nhà đất, anh Hùng thường xuyên phải đi công tác nên mọi việc hầu hết đều do vợ anh là chị Quỳnh thực hiện. Chuyển nhượng nhà đất xong xuôi, anh Hùng mới phát hiện ra khi sang tên sổ đỏ thì chỉ mình chị Quỳnh đứng tên. Vậy nhà đất đó có phải là tài sản chung của vợ chồng anh chị nữa không và làm cách nào để anh được đứng tên cùng vợ trong sổ đỏ?
Khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất (nhà ở, công trình xây dựng khác, rừng sản xuất là rừng trồng, cây lâu năm) là tài sản chung của vợ chồng nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
– Quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng
– Quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung
– Trường hợp không có căn cứ để chứng minh quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì được coi là tài sản chung.
Do mảnh đất và ngôi nhà mà gia đình anh Hùng đang sinh sống là tài sản do anh và chị Quỳnh cùng tạo lập sau khi kết hôn (trường hợp 1 nêu trên), nên đó là tài sản chung của cả 2 người.
Mặt khác, Khoản 1 Điều 29 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập”.
Tức là, dù chị Quỳnh một mình đứng tên trên sổ đỏ, nhưng nhà đất đó là tài sản chung nên anh Hùng vẫn có quyền sử dụng và định đoạt. Hay nói cách khác, vợ chồng anh bình đẳng về quyền và nghĩa vụ đối với nhà đất dù trên giấy tờ pháp lý chỉ có một mình chị Quỳnh đứng tên.
Trong trường hợp chị Quỳnh chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mà không có sự đồng ý của anh Hùng thì anh hoàn toàn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu. Khi đó, các bên buộc phải khôi phục lại tình trạng nhà đất như ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Nếu muốn cùng đứng tên với vợ trong sổ đỏ đã cấp, anh Hùng phải làm thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo trình tự như sau:
– Chuẩn bị hồ sơ bao gồm: Bản gốc sổ đỏ đã cấp, đơn đề nghị cấp đổi sổ đỏ mới theo mẫu. Sau đó nộp hồ sơ tại chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai ở địa phương.
– Cơ quan chức năng sẽ xem xét hồ sơ, nếu đạt yêu cầu sẽ thực hiện việc cấp đổi sổ đỏ. Theo khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP thời hạn cấp đổi không quá 07 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, trừ ngày nghỉ lễ, tết.